Ngày 18 tháng 5 năm 2021, Hiệp hội Chủ tàu Châu Á (ASA) đã tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng thường niên lần thứ 30 (The 30th ASA AGM) theo hình thức trực tuyến. Có thể thấy rõ trọng tâm của Kỳ họp là đề cập đến những khó khăn đang diễn ra trong quá trình thay đổi thuyền viên do đại dịch COVID-19.
Ông Tadaaki Naito, Chủ tịch ASA cho biết “ASA đánh giá cao Nghị quyết A / 75 / L37 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 11 năm ngoái, xếp thuyền viên vào vị thế của nhóm người lao động chủ chốt (key workers status). Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức để cứu những người đi biển của mình”
Ưu tiên cho thuyền viên được tiêm chủng
Chủ tịch Ủy ban Thuyền viên của ASA, ông Han Chao nói, “Bây giờ là lúc cả thế giới cần nhận ra tầm quan trọng của những người đi biển, những người anh hùng thầm lặng luôn phơi mình trước mọi loại đối thủ để đưa thương mại thế giới luân chuyển.” Ông kêu gọi tất cả các chính phủ cần thực hiện Nghị quyết của Liên hợp quốc, qua đó cung cấp cho các thuyền viên khả năng tiêm chủng COVID-19 sớm nhất khi có cơ hội, tôn trọng các quyền cơ bản của họ theo Công ước Lao động Hàng hải, 2006 (MLC 2006).
ASA nói KHÔNG với điều khoản ‘Không thay đổi thuyền viên‘
Chủ tịch Ủy ban Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự và Bảo hiểm tàu của ASA, ông Richard Hext cho biết, “Tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên vào năm ngoái, khoảng 400.000 thuyền viên đã bị mắc kẹt trên biển. Con số này may mắn đã giảm xuống còn khoảng 200.000, nhưng vẫn không thể chấp nhận được. Đặc biệt đáng thất vọng khi thấy có các trường hợp nhiều người thuê tàu nổi tiếng, bao gồm cả một số đã công khai lên tiếng ủng hộ thuyền viên, lại yêu cầu đưa điều khoản “không thay đổi thuyền viên” vào hợp đồng thuê tàu hoặc trong các hướng dẫn về chuyến vận chuyển của họ. Các điều khoản như vậy đi ngược lại quyền con người của thuyền viên và rõ ràng là trái với trách nhiệm của Chủ tàu theo MLC 2006. ‘
Tái khẳng định việc duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ đại dịch
Liên quan đến các vấn đề tắc nghẽn chuỗi cung ứng gần đây, ASA ghi nhận những lo ngại của các chính phủ, người gửi hàng và các bên khác. ASA thấy rằng nhiều vấn đề đã xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực tàu chuyên tuyến, chẳng hạn như nhu cầu tăng đột biến và tập trung, khó khăn trong việc đặt chỗ của khách hàng, tắc nghẽn ở các bến bãi và thiếu container rỗng. Sự cố mắc cạnt ở kênh đào Suez vào tháng 3, được giải quyết bằng những nỗ lực đáng hoan nghênh của Cơ quan quản lý kênh Suez, đã làm tình hình trở nên tồi tệ hơn trong một thời gian ngắn. Chủ tịch Ủy ban Chính sách Hàng hải ASA, ông Takashi Nakashima cho biết, “Vì ngành vận tải biển đóng một vai trò không thể thiếu trong việc củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định, ASA tái khẳng định quyết tâm hợp tác với các bên liên quan và tiếp tục nỗ lực hết mình”. Về sự cố mắc cạn, với quan niệm coi điều quan trọng nhất là phải đảm bảo hệ thống logistics luôn thông suốt, ASA sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến của tình hình đang diễn ra. ASA cũng đánh giá cao quyết định gần đây của Cơ quan quản lý kênh Panama về việc hoãn sửa đổi tăng phí qua kênh, góp phần vào sự ổn định và khả năng thông qua của tuyến đường thủy trên thế giới này, đáp lại tiếng nói thống nhất của ASA, ICS (Phòng Hàng hải Quốc tế) và ECSA (Hiệp hội Chủ tàu Cộng đồng châu Âu).
Công ước quốc tê Hồng Kông về tái chế tàu biển an toàn và gìn giữ môi trường (HKC)
ASA tái khẳng định sự cần thiết phải khẩn trương mở rộng tuân thủ HKC để thúc đẩy bền vững hoạt động tái chế tàu biển an toàn với môi trường. Động lực là việc HKC sớm có hiệu lực. Chủ tịch Ủy ban Tái chế Tàu biển của ASA, ông Ron Huang nhấn mạnh “Điều cần thiết là tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc và Bangladesh gia nhập công ước quan trọng này và khuyến khích các chủ tàu châu Á quảng bá việc sử dụng các cơ sở phá dỡ đã tuân thủ HKC, để thúc đẩy việc HKC sớm có hiệu lực.”
Ngành vận tải biển kêu gọi IMO dẫn đầu quá trình khử cacbon
Chủ tịch Ủy ban An toàn Môi trường và Hàng hải ASA, bà Caroline Yang cho biết, ‘Tôi tin tưởng rằng Ủy ban Bảo vệ Môi trường Biển của IMO (Tổ chức Hàng hải Quốc tế) sẽ tiếp tục công việc của mình tại phiên họp thứ 76 sắp tới (MEPC 76) vào tháng 6 năm 2021, nơi một trong những hạng mục quan trọng nhất về Chương trình nghị sự sẽ là việc xúc tiến sự thành lập Ủy ban Nghiên cứu và Phát triển Hàng hải Quốc tế (IMRB) được đề xuất, hiện được đồng kiến nghị bởi 10 quốc gia thành viên IMO và 8 hiệp hội ngành”. IMRB sẽ cung cấp một ngân quỹ lên đến 6 tỷ USD do ngành hàng hải đóng góp để xác định, phát triển và chứng minh các loại nhiên liệu và công nghệ trong tương lai sẽ cho phép vận tải biển quốc tế khử lượng cacbon phù hợp với các mục tiêu đầy tham vọng do IMO đặt ra và phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đồng thời, ASA hy vọng rằng các quốc gia thành viên IMO và các bên có quyền lợi liên quan khác cũng sẽ đưa ra các đề xuất cụ thể về các Biện pháp Dựa trên Thị trường khả thi, để các thành viên ASA có thể xem xét song song với các cuộc thảo luận về IMRB.
Cũng tại ASA AGM lần thứ 30 này, ông Tae Soon Chung, Phó Chủ tịch ASA kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Hàn Quốc (KSA) được bổ nhiệm làm Chủ tịch ASA nhiệm kỳ thứ 31. Ông Xu Lirong, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Trung Quốc (CSA) được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch ASA. Kỳ họp tiếp theo của Đại hội đồng ASA sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 5 năm 2022.
ASA AGM lần thứ 30 do Hiệp hội Chủ tàu Nhật Bản (JSA) chủ trì và có sự tham dự của đại diện các Hiệp hội thành viên ASA.
Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Chủ tịch nhiệm kỳ 2020-2021 của Liên đoàn các Hiệp hội Chủ tàu Đông Nam Á (FASA) thành viên chính thức của ASA, đã thay mặt FASA tham dự ASA AGM lần thứ 30 vừa qua.