Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (tên tiếng Anh: Vietnam Shipowners’ Association, tên viết tắt tiếng Anh: VSA) được thành lập theo Quyết định số 689TTg ngày 18/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ. Hiệp hội là tổ chức xã hội-nghề nghiệp của các hội viên là những doanh nghiệp, tổ chức, công dân Việt Nam hoạt động kinh doanh, khai thác tàu biển hoặc các lĩnh vực liên quan đến vận tải biển. Hiệp hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm mục đích hợp tác, hỗ trợ hội viên phát triển đồng thời liên kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và của Hiệp hội.
Tại Đại hội toàn thể Hiệp hội lần thứ VII ngày 15/4/2016, Điều lệ VSA đã được bổ sung, sửa đổi nhằm phù hợp với các quy định hiện hành của Nhà nước và thu hút thêm Hội viên trong mọi thành phần kinh tế, kinh doanh khai thác tàu biển và dịch vụ vận tải biển. Điều lệ này đã được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 4168 /QĐ-BNV ngày 16/11 /2016.
Hiện nay, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã có 31 Hội viên chính thức, 06 Hội viên liên kết và 01 Hội viên danh dự. Hội viên của VSA đều là các tổ chức, cá nhân hoạt động trong nhiều lĩnh vực của ngành hàng hải: vận tải biển (hàng khô, container, xăng dầu…) trong nước và quốc tế, đại-lý môi giới hàng hải, đào tạo và cung ứng nhân lực hàng hải, công nghiệp tàu thủy, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, xuất nhập khẩu vật tư trang thiết bị tàu biển, luật pháp hàng hải…, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trường đại học và dạy nghề kỹ thuật, hãng luật, văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Kể từ ngày thành lập, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình, VSA đã tích cực tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hiệp hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của từng hội viên cũng như của cả ngành vận tải biển và kinh tế hàng hải. VSA đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, phổ biến cập nhật kiến thức về luật pháp, kinh tế thị trường, giới thiệu khoa học-công nghệ mới…Với quyền hạn, chức năng và các mối quan hệ của mình, VSA đã phối hợp, can thiệp và hỗ trợ cho hội viên giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh ở trong và ngoài nước.
Là một trong những tổ chức xã hội-nghề nghiệp lớn nhất hoạt động trong một lĩnh vực kinh tế chủ chốt của đất nước, VSA đã đại diện tập thể hội viên thường xuyên tham gia, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội, nhằm bảo vệ quyên và lợi ích hợp pháp của hội viên, song song với sự phát triển của ngành.
Về hợp tác quốc tế, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam VSA đang là thành viên chính thức của Liên đoàn các Hiệp hội Chủ tàu của Tổ chức ASEAN (FASA); đã đảm nhiệm Phó Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội chủ tàu của Tổ chức ASEAN nhiệm kỳ 2 năm (2006-2007); Chủ tịch Liên đoàn Hiệp hội Chủ tàu Châu Á (ASA); đã và đang tham gia vào 5 Ủy ban chuyên môn của Liên đoàn Hiệp hội chủ tàu Châu Á gồm: Ủy ban an toàn hành hải và Môi trường (Safe Navigation & Enviroment Committee-SNEC), Ủy ban Kinh tế hàng hải (Shipping Economics Review Committee-SERC), Ủy ban Bảo hiểm hàng hải (Ship Insurance & Liability Committee- SILC), Ủy ban Thuyền viên (Seafarers Committee-SC), Ủy ban Tái chế tàu biển (Ship Recycling Committee- SRC).
Là thành viên của các tổ chức hàng hải khu vực, hàng năm hội viên VSA còn thường xuyên được mời tham dự nhiều Hội nghị bàn tròn (Round-Table Meetings) với các tổ chức hàng hải quốc tế như BIMCO, ICS, IFS, INTERTANKO, IACS, INTERCARGO, ReCAAP…Nhiều chủ tàu hội viên VSA đã cùng các cơ quan Chính phủ có liên quan tham gia các cuộc họp của Tổ chức Hàng hải Quốc tế IMO, để cập nhật thông tin và góp tiếng nói trong quá trình xây dựng các Công ước hàng hải quốc tế IMO liên quan đến vận tải biển, an toàn an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển…
Hiện nay, với việc Việt Nam đã gia nhập ASEAN, APEC, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã ký 10 Hiệp định thương mại tự do với nhiều nước và khu vực trên thế giới, đang triển khai thực hiện lộ trình mở cửa hội nhập vận tải biển và dịch vụ hàng hải, thì thị trường hàng hải Đông Nam Á sẽ sớm trở thành thị trường đơn nhất, thống nhất, tự do, bình đẳng cho mọi thành viên trong khối ASEAN, để hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư, lao động, đặc biệt là lao động có kỹ thuật và tay nghề cao trong đó có ngành hàng hải, sẽ được tự do di chuyển giữa các nước trong vùng.
Trong thời gian tới, ngành hàng hải Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh vận tàu biển và dịch vụ hàng hải Việt Nam nói riêng rất cần ngôi nhà chungVSA ngày càng mở rộng, tiếng nói của tập thể hội viên Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam ngày càng thêm có trọng lượng khách quan đối với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách và các qui định về mặt quản lý chuyên ngành, cũng như trên các diễn đàn thương mại- hàng hải trong nước và quốc tế, nhằm tạo ra sức mạnh lớn hơn trong cạnh tranh, hợp tác, hội nhập để cùng tiếp tục lớn mạnh và phát triển.